​QUAN HỆ  VIỆT NAM – LIÊN BANG NGA:

- Ngày 30/01/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
- Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.
- Ngày 01/03/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.
- Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

1. Quan hệ chính trị
Quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Nga (từ năm 2001):
Năm 2014: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nga (tháng 11);
Năm 2013: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nga (tháng 5); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Nga (tháng 3);
Năm 2012: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Liên bang Nga (tháng 7);
Năm 2010: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nga (tháng 7); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Nga dự Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít tại Mát-xcơ-va (tháng 5);
Năm 2009: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc (tháng 12); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nga (tháng 4)
Năm 2008: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Nga (tháng 8);
Năm 2007: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nga (tháng 9);
Năm 2004: Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Nga (tháng 5);
Năm 2003: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Nga (tháng 1);
Năm 2002: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nga (tháng 10).

Lãnh đạo cấp cao Nga thăm Việt Nam (từ năm 2001):
Năm 2013: Tổng thống Nga V. Pu-tin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (tháng 11);
Năm 2012: Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Đ. Mét-vê-đép thăm chính thức Việt Nam (tháng 11); Chủ tịch Hội đồng Liên bang V.I. Mát-vi-en-cô thăm chính thức Việt Nam (tháng 11);
Năm 2010: Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép thăm chính thức Việt Nam và dự Cấp cao ASEAN - Nga lần hai (tháng 10);
Năm 2006: Tổng thống Nga V. Pu-tin thăm chính thức Việt Nam (tháng 11); Thủ tướng Nga M. Phờ-rát-cốp thăm chính thức Việt Nam (tháng 2);
Năm 2005: Chủ tịch Hội đồng Liên bang X. Mi-rô-nốp thăm chính thức Việt Nam (tháng 1);
Năm 2002: Thủ tướng Nga M. Ca-xi-a-nốp thăm Việt Nam (tháng 3)
Năm 2001: Tổng thống Nga V. Pu-tin thăm chính thức Việt Nam (tháng 3).
Từ năm 2008 Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai Bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hai Bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ARF...; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Cấp cao ASEAN - Nga lần hai đã diễn ra thành công tại Hà Nội tháng 10/2010. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10/2010 và tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011.


2. Hợp tác kinh tế
Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.
Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Hội đồng doanh nghiệp Việt – Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho công đồng doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường năm 2007.

3. Thương mại
Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,7 tỷ (theo số liệu thống kê của Nga là 3,97 tỷ USD), năm 2014 đạt 2,55 tỷ USD, giam 7,6% (theo số liệu thống kê của Nga là 3,74 USD). Những tháng đầu năm 2015, kim ngạch song phương tiếp tục có chiều hướng giảm, 2 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 133 triệu USD, nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam đạt 58 triệu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…
Một số vướng mắc trong hợp tác thương mại như vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu đã và đang dần được tháo gỡ. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan) đã ký Tuyên bố chung cơ bản về kết thúc đàm phán FTA vào ngày 15/12/2014, dự kiến ký chính thức vào nửa đầu năm 2015.


4. Đầu tư
Hiện Nga đứng thứ 17/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 106 dự án và tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD. Đầu tư của Nga vào Việt Nam tăng nhanh những năm qua, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông, với một số dự án lớn như Ngân hàng Việt – Nga (VRB)...
Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 19 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,47 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Mát-xcơ-va.

5. Hợp tác năng lượng
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam. Ngày 31/10/2010 hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam và tháng 11/2011 hai Bên đã ký Hiệp định về việc Nga cấp tín dụng để triển khai dự án trên.

 
6. Hợp tác văn hóa – du lịch, giáo dục – đào tạo
Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai Bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đón 176 nghìn lượt khách du lịch Nga, năm 2013 đón 300 nghìn lượt, năm 2014 đón  364 nghìn lượt khách.
Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, năm 2011 Nga cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Nga, năm 2012 tăng lên 400 suất và 70 suất dành riêng đào tạo chuyên gia hạt nhân, từ năm 2014 tăng lên 600 suất học bổng và năm 2015 Nga cấp cho ta trên 795 học bổng. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.

7. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
 Hợp tác an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh. Việt Nam và Nga duy trì Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nga là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Hai Bên đã tiến hành Đối thoại chiến lược lần thứ nhất ở cấp Thứ trưởng Quốc phòng vào tháng 12/2013.
Hợp tác khoa học – kỹ thuật tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực.
Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua. Tháng 11/2013, Trung tâm Văn hóa – Thương mại Hà Nội được khai trương tại Mát-xcơ-va.


8. Về cộng đồng người Việt Nam tại Nga
Do yếu tố lịch sử, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 60-80 nghìn người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga gần hai thập kỷ. Số người Việt Nam định cư nhập quốc tịch Nga không nhiều, chỉ khoảng 1%. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội sinh viên tại Mát-xcơ-va, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương…
Thời gian gần đây Nga chủ trương lập lại trật tự trong lĩnh vực lao động nước ngoài tại Nga, đưa ra một số quy định mới, ảnh hưởng nhất định đến việc sinh sống và làm ăn của cộng đồng ta tại đây. Cộng đồng ta đang tích cực học tập, cố gắng chuyển đổi hình thức kinh doanh nhằm tuân thủ đầy đủ những quy định mới cùa Nga.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

  • QUOCHOI2.jpg 

    vanphongchinhphu4.jpg

    BONGOAIGIAO-EN.jpg


    BOKEHOACH-en.jpg


    BOCONGTHUONG-en.jpg

    dulich-en.jpg
    vietnamplus.jpg
    vov.jpg
    QUEHUONG.jpg